Điện thoại: 028.8889.8688

NGÀNH LÚA GẠO VIỆT NAM TẠO KỶ LỤC MỚI

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng xuất khẩu của ngành lúa gạo Việt Nam liên tục “tăng tốc”, kể từ sau khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo tẻ thường, Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội thị trường trong 2 tháng vừa qua. Tính đến hết tháng 9/2023, Việt Nam xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo, trị giá 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số kỷ lục vượt giá trị xuất khẩu cao nhất nước ta từng đạt được năm 2011 (3,65 tỷ USD).

Xuất khẩu gạo Việt Nam đã thiết lập kỷ lục mới trong 9 tháng năm 2023

Kết thúc 9 tháng, cả nước đã xuất khẩu được 6,6 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 3,7 tỷ USD, con số cao nhất từ trước tới nay. Từ tháng 8 – 9/2023, Việt Nam đã cung cấp cho thị trường thế giới gần 1,8 triệu tấn gạo, đồng thời trở thành nguồn cung gạo lớn nhất thế giới trong 2 tháng vừa qua. Giá xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, ước đạt 554 USD/tấn, tăng 14% so cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, có thời điểm giá gạo Việt Nam xuất khẩu lên đến gần 650 USD/tấn.

Xuất khẩu gạo Việt Nam đã thiết lập kỷ lục mới trong 9 tháng năm 2023

(Ảnh: sưu tầm)

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn (Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi) trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế.

Gạo Việt Nam đột phá tại nhiều thị trường khó tính

Trong 8 tháng năm 2023, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 40,3% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp đến là Trung Quốc chiếm 13,5%; Indonesia đứng thứ 3 chiếm 12,4%. Ngoài ra, khu vực thị trường EU (Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ,…), châu Phi (Ghana, Angola,…) cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.

Cơ cấu chủng loại tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 đã đặt ra với mục tiêu gia tăng giá trị cho hạt gạo. Trong đó, gạo trắng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 55,5% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 2,35 triệu tấn); tiếp đến là gạo thơm các loại chiếm khoảng 24,2% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 1 triệu tấn); gạo nếp đứng thứ 3 với khoảng 8,5% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 358,5 nghìn tấn).

(Ảnh: công ty Đoàn Gia Phát)

Dự báo tốt trong 3 tháng cuối năm 2023

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa vụ mùa thu hoạch ước đạt 8.229 nghìn tấn trong 3 tháng cuối năm. Ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết hiện nay dư địa xuất khẩu gạo còn rất lớn khi Philippines có nhu cầu nhập thêm 1,1 triệu tấn gạo, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo đến cuối năm. Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ Trung Quốc dự báo cũng sẽ tăng trong những tháng cuối năm. Với đà này, dự kiến cả năm 2023, xuất khẩu sẽ lập kỷ lục trên 8 triệu tấn, với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD.

Mặc dù nhu cầu thị trường gạo vẫn đang rộng mở nhưng với quy định bắt buộc dự trữ lưu thông tại các doanh nghiệp xuất khẩu, cùng với việc sản xuất lúa nối vụ tại Đồng bằng sông Cửu Long nên vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia luôn ở mức an toàn, không thiếu gạo cho thị trường nội địa.

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
golden line

Bài viết liên quan